Ngành bao bì Việt Nam bứt phá: Nắm bắt cơ hội từ EVFTA và CPTPP - Sản Xuất In Bao Bì Túi PE & PP - GlobalPack

Ngành bao bì Việt Nam bứt phá: Nắm bắt cơ hội từ EVFTA và CPTPP - Sản Xuất In Bao Bì Túi PE & PP - GlobalPack

Ngành bao bì Việt Nam bứt phá: Nắm bắt cơ hội từ EVFTA và CPTPP

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Những FTA này được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam tới đây.

Tình hình và triển vọng của ngành bao bì Việt Nam

Ngành bao bì Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 10%/năm, dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025. Hiện có hơn 14.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó bao bì giấy với hơn 4.500 doanh nghiệp, bao bì nhựa chiếm khoảng 9.200 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước và ngành này đang trải qua tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định.

Theo một báo cáo mới đây từ Market Research Future, dự báo tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho thị trường toàn cầu của bao bì nhựa ước tính là 3,6%; với bao bì giấy sẽ là 4,7% trong giai đoạn 2023-2030. Còn theo Mordor Intelligence, thị trường bao bì nhựa và bao bì giấy Việt Nam có CAGR lần lượt lên tới 8,39% và 9,73% trong giai đoạn từ năm 2023-2028. Dự báo kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report tỏ ra lạc quan hơn so với những tháng đầu năm, một phần đến từ nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi và giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.

Hơn nữa, dân số Việt Nam sẽ đạt 99,5 triệu người vào năm 2023, với tỷ lệ đô thị hóa là 40%. Điều này có nghĩa là có nhiều người tiêu dùng có thu nhập cao, yêu cầu chất lượng cao và đa dạng về sản phẩm. Ngành bao bì sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thuốc và y tế.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô được ổn định, nổi bật là mặt bằng lãi suất được hạ thấp và lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, Chính phủ đã có những chính sách kích cầu tiêu dùng nhằm phục hồi tổng cầu như giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Đây là những cơ hội giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm bao bì Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong khi rất ít các đối thủ cạnh tranh khác được hưởng mức thuế này.

 

Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do

Dựa trên mức sản lượng bao bì tiềm năng, cùng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp sản phẩm bao bì của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất bằng hoặc gần bằng 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (thời gian 7 năm). Đối với Việt Nam, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu các mặt hàng từ EU kéo dài hơn 10 năm với khoảng 99% số dòng thuế của nước đối tác (Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương 2021). Đây là cơ hội rất lớn để tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm bao bì Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong khi rất ít các đối thủ cạnh tranh khác được hưởng mức thuế này.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2020, sau khi được Quốc hội của cả hai bên phê chuẩn. Đây là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống.

Trong giai đoạn từ tháng 01/2022 đến hết tháng 06/2023, bao bì nhựa (nhóm HS.3923) và bao bì giấy (nhóm HS.4819) là hai nhóm hàng chủ lực. Bốn thị trường xuất khẩu bao bì lớn nhất của Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đức. Tiếp theo là Anh, Hà Lan, Australia, và Campuchia.

Giá trị xuất khẩu sang 08 thị trường này chiếm 75,5% lượng xuất khẩu bao bì của Việt Nam. Trong giai đoạn này, xuất khẩu bao bì đến 27 quốc gia có giá trị trên 10 triệu USD, chiếm 96,4% giá trị xuất khẩu bao bì. Đáng chú ý, hầu hết các quốc gia trên đều nằm trong ít nhất một FTA mà Việt Nam đang là thành viên. Thuế suất nhập khẩu vào các thị trường này cho mặt hàng bao bì hầu hết về 0,0%, và phần nhỏ các mặt hàng vẫn chịu thuế, nhưng không quá 5,0%.

EVFTA mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho kinh tế và xã hội của Việt Nam. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc thực thi thành công Hiệp định này đòi hỏi sự nỗ lực của cả phía Việt Nam và EU trong việc vừa chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế dương ở mức 2,8% trong năm 2020, trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế khu vực và toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc đưa Hiệp định EVFTA vào thực thi, được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực nền kinh tế.

Song song với EVFTA, Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. CPTPP đã tiếp tục mở ra ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiệp định này đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.

Với việc thực hiện thành công EVFTA và CPTPP, Việt Nam đã bước đầu thực hiện các chủ trương đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

Thách thức vẫn đang hiện hữu

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều lợi ích hiện hữu, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp CPTPP và EVFTA cũng sẽ khiến Việt Nam chịu thêm không ít áp lực.

Cơ hội mở ra từ các FTA thế hệ mới như CPTPP khá lớn nhưng thách thức đi kèm cũng không nhỏ. Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đánh giá: “Các FTA thế hệ mới như CPTPP và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn. Không thể phủ nhận, tham gia vào các FTA này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan (mức cao nhất lên đến 99% số dòng thuế). Tuy nhiên song song với điều này, xu hướng bảo hộ, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, bảo vệ môi trường ngày càng cao. Các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường các nước tham gia FTA với Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng tới khả năng tận dụng thuế quan”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do hàng hóa chất lượng cao từ Âu được mở rộng vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa của EU sẽ giảm giá mạnh do không phải chịu thuế nhập khẩu, dẫn đến những cạnh tranh về giá sản phẩm ngay trên thị trường nước nhà. Về chất lượng sản phẩm, sản phẩm của EU tuân thủ những nguyên tắc xuất khẩu khắt khe và hơn nữa, nên chất lượng sẽ đảm bảo tới tay người tiêu dùng nội địa. Với những ấn tượng tốt về thị trường đã phát triển, người Việt Nam sẽ dễ dàng bị thu hút về sản phẩm từ EU hơn sản phẩm của nội địa.

Có thể nói, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, do địa lý xa xôi, rào cản ngôn ngữ khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và nắm bắt cơ hội. Để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường này, nhất là Mexico, Chile, Peru, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của mình, xác định lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu kỹ các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đồng thời lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường xuất khẩu phù hợp và tìm kiếm đối tác tin cậy.

Xung quanh câu chuyện tận dụng các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan điểm, bên cạnh việc tuyên truyền hiểu biết doanh nghiệp về các FTA, thì Chính phủ cần “chung tay” với doanh nghiệp trong cải cách thể chế, nhanh chóng luật hóa các cam kết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, điều cần thiết là nâng cao trình độ quản trị, đa dạng hóa thị trường, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro… Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến thuế suất, mã hàng hóa. Trong khi còn nhiều vấn đề phi thuế quan khác cần quan tâm. Nếu không nhanh chân chớp lấy cơ hội thì doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác. 

wechat Zalo viber whatsapp Call